Nâng cao hiệu quả hoạt động chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Thứ ba - 19/03/2024 19:03 101 0

1. Khái quát về hoạt động chứng thực

Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1995, chứng thực là xác nhận đúng sự thật. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu chung nhất về hoạt động chứng thực là việc tổ chức hoặc cá nhân với tư cách là người làm chứng xác nhận tính chính xác, tính có thực của các giấy tờ, văn bản được chứng thực so với bản chính, xác nhận tính chính xác, tính có thực của chữ ký được chứng thực là chữ ký của một cá nhân cụ thể, là cơ sở phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của các cá nhân, tổ chức trong xã hội được dễ dàng, thuận tiện.

Ở bình diện chung, nhiều nhà khoa học nhìn nhận chứng thực như một loại dịch vụ công mà Nhà nước cung ứng cho công dân để phục vụ đời sống xã hội hàng ngày. Cách tiếp cận này còn khá mới mẻ, tuy nhiên cũng đã và đang được áp dụng tại Việt Nam.

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, cụ thể là tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Nghị định số 23/2015/NĐ-CP), có thể hiểu: “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. “Bản chính” là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, chủ thể thực hiện việc chứng thực được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức như: Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Phòng Tư pháp), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là Cơ quan đại diện), công chứng viên…

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Cụ thể, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

 “2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;

c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;

đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;

e) Chứng thực di chúc;

g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;

h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các điểm c, d và đ khoản này.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

2. Thực trạng áp dụng pháp luật về chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ra đời đã khắc phục được hạn chế của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Có thể nói, đây là một bước tiến mới quan trọng trong hoạt động chứng thực; đã tách bạch chứng thực với công chứng; tạo điều kiện cho công dân, tổ chức có quyền lựa chọn nơi yêu cầu chứng thực; góp phần cải cách thủ tục hành chính trong việc chứng thực chữ ký, nhất là chứng thực sơ yếu lý lịch, giúp người dân không phải về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú để xác nhận mà có thể chứng thực ở bất kỳ nơi nào.

- Về cơ bản, công tác chứng thực bản sao từ bản chính được thực hiện đúng quy định của pháp luật, cụ thể: Việc kiểm tra bản chính các loại giấy tờ được phép chứng thực, đối chiếu với bản sao trước khi thực hiện chứng thực và trả kết quả cho người dân được thực hiện đúng quy định. Trước khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người dân các trường hợp thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần nộp bản sao (bản chụp) mà không cần bản sao có chứng thực để giảm chi phí, thời gian thực hiện.

- Hoạt động chứng thực chữ ký được thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP; việc chứng thực chữ ký người dịch, lập danh sách, phê duyệt, niêm yết danh sách cộng tác viên dịch thuật trên địa bàn cả nước đã được các Sở Tư pháp phê duyệt danh sách.

- Về chứng thực hợp đồng, giao dịch: Quy định hiện hành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch với thành phần hồ sơ hết sức đơn giản và thời hạn giải quyết nhanh chóng, mức phí thấp hơn so với phí công chứng.

- Các cơ quan chứng thực đều lưu trữ, bảo quản Sổ và hồ sơ chứng thực. Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí chứng thực đúng quy định.

- Về việc ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực:

Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định: Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. Công chức tư pháp - hộ tịch được ủy quyền phải có kinh nghiệm từ 03 năm công tác trở lên ở lĩnh vực tư pháp - hộ tịch.

Việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực giúp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, giảm đáng kể thời gian thực hiện, công dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại Ủy ban nhân dân phường, không phải chờ đợi trong nhiều giờ hay phải đi lại nhiều lần, giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Việc ủy quyền cũng giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải quyết các công việc khác cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã[1].

Có thể thấy, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi yêu cầu chứng thực hoặc thực hiện các hợp đồng, giao dịch dân sự, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời tăng thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… Về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã phân định rõ ràng về thẩm quyền chứng thực giữa các cơ quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp xã, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sự phân biệt rõ ràng về thẩm quyền chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người có yêu cầu chứng thực. Từ đó, chúng ta thấy được vai trò quan trọng của chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã như:

Một là, góp phần vào cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. Thông qua hoạt động chứng thực của cơ quan hành chính, các văn bản, giấy tờ và hợp đồng, giao dịch đã tạo ra được sự tin cậy pháp lý, từ đó phục vụ tổ chức, cá nhân tham gia vào quan hệ hành chính nhà nước, giúp các giao dịch của mình thuận lợi hơn. Chứng thực là một trong những công cụ phục vụ quản lý nhà nước, đồng thời, hoạt động chứng thực giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tình hình giao dịch hợp đồng, giao kết hợp đồng được bảo đảm an toàn pháp lý cũng như để phục vụ cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế và chính sách pháp luật cho phù hợp.

Hai là, chứng thực giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia quan hệ pháp luật. Chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp dịch vụ mang tính hành chính công của Nhà nước, các chủ thể khi thực hiện quyền đã được pháp luật quy định qua việc chứng thực hợp đồng, giao dịch. Hợp đồng chứng thực có hiệu lực pháp luật được pháp luật bảo hộ và thừa nhận, do đó, các hợp đồng, giao dịch được cơ quan hành chính và các tổ chức có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý thì các bên tham gia giao dịch phải thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình phát sinh từ hợp đồng, giao dịch đó. Chứng thực là chế định pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân, đó là các hoạt động chứng thực bản sao, chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch, di chúc, giấy ủy quyền… Thông qua hoạt động chứng thực góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức trong các quan hệ, giao dịch, bảo đảm được sự công bằng, trật tự trong xã hội và bảo đảm an toàn trong hoạt động quản lý nhà nước.

Ba là, hạn chế phát sinh tranh chấp trong các giao dịch có liên quan đến giấy tờ, văn bản. Việc thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến các giao dịch về lĩnh vực đất đai, nhà ở thì vai trò về chứng thực là công cụ pháp lý không thể thiếu trong các giao kết, giao dịch, thỏa thuận của các bên, đó là lòng tin, sự xác nhận, sự có thật một sự việc diễn ra, vì vậy, các văn bản, giấy tờ đã được chứng thực là điều kiện không thể thiếu để tạo lập giao dịch hoặc giải quyết các thủ tục hành chính. Chứng thực là công cụ pháp lý bảo đảm lòng tin của các bên tham giao giao dịch, đồng thời là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia các giao dịch, hợp đồng, các thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển[2].

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã còn một số tồn tại, hạn chế cụ thể như sau:

- Có trường hợp người dân yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính là loại giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp nhưng chỉ đóng dấu nổi, không có dấu đỏ, khi sao chụp giấy tờ sẽ thể hiện ở dạng không có dấu. Một số loại giấy tờ, văn bản do cơ quan nhà nước cấp còn chưa hoàn thiện về thể thức và nội dung như văn bản có nhiều trang nhưng chỉ đóng dấu trang cuối, các trang còn lại chưa đóng dấu giáp lai, khi người dân nhận cũng không để ý, khi mang đi chứng thực thì mới phát hiện ra vấn đề.

- Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ. Với quy định này, cơ quan thực hiện chứng thực không có cơ sở để đối chiếu khi có đề nghị hoặc yêu cầu xác minh.

- Tình trạng làm giả giấy tờ, văn bản với công nghệ ngày càng hiện đại dẫn đến công chức làm công tác chứng thực khó có khả năng nhận định chính xác tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực.

- Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Mặt khác, thành phần hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định rất đơn giản (chỉ cần 03 loại giấy tờ: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu của các bên; dự thảo hợp đồng, giao dịch; giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng). Do đó, để xác định hợp đồng, giao dịch có đúng quy định hay không thì công chức thực hiện chứng thực phải yêu cầu các bên bổ sung giấy tờ có liên quan như: Giấy chứng tử, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, nếu yêu cầu như vậy lại không đúng với thành phần hồ sơ quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Bộ thủ tục hành chính.

- Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định người yêu cầu chứng thực phải nộp bản dự thảo hợp đồng, giao dịch nhưng không quy định hợp đồng, giao dịch đó phải được thực hiện theo mẫu cụ thể nào. Do đó, trên thực tế có nhiều trường hợp người yêu cầu chứng thực nộp dự thảo hợp đồng, giao dịch do mình tự soạn thảo có nội dung không chặt chẽ, thiếu các thông tin cần thiết hoặc viết không rõ ràng, dẫn đến tình trạng cơ quan chứng thực mất nhiều thời gian để hướng dẫn hoàn thiện.

- Mặc dù đã xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo Luật Công chứng, tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý liên quan đến việc các cơ quan chứng thực hợp đồng, giao dịch tham gia vào việc khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu công chứng, cũng như chưa có cơ sở pháp lý về việc xây dựng cơ sở dữ liệu chứng thực để hỗ trợ cho hoạt động chứng thực nhằm ngăn chặn tình trạng thực hiện đồng thời nhiều giao dịch đối với một tài sản, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

- Hiện nay, công chức tư pháp - hộ tịch phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều công việc, phải nhập cùng một lúc 03 loại sổ (Sổ Một cửa, Sổ theo dõi giải quyết thủ tục hành chính và Sổ chứng thực) tốn nhiều thời gian, từ đó công tác chứng thực chưa thực sự được tập trung và quan tâm[3].

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật quy định về chứng thực còn chồng chéo, chưa ban hành được luật chuyên ngành về chứng thực. Việc áp dụng và thực hiện hoạt động pháp luật về chứng thực phụ thuộc rất nhiều vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng thực, là các quy định về nội dung thuộc các chuyên ngành khác như dân sự, đất đai, nhà ở… Hiện nay, pháp luật về chứng thực ở Việt Nam mới ban hành ở tầm nghị định, trong khi các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực chứng thực được Nhà nước ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự… do vậy, sự tuân thủ của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động chứng thực còn chưa cao, đôi khi còn thiếu tính khả thi do bị chi phối bởi nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Thứ hai, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về chứng thực tại các địa phương trên cả nước chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Việc hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động chứng thực còn chưa cao.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật về chứng thực chưa được coi trọng, nhiều người dân, cán bộ còn chưa hiểu rõ được thuật ngữ thế nào là “công chứng” và “chứng thực”.

Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát còn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về tình hình tổ chức và hoạt động chứng thực của cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương còn chưa chặt chẽ, không thường xuyên nên dẫn đến việc phát hiện, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chấn chỉnh, ngăn chặn xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật đôi khi còn chưa hiệu quả, việc xử lý các vi phạm của người thực hiện chứng thực chưa nghiêm minh. Công tác hướng dẫn và kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đôi khi còn chưa kịp thời với thực tiễn[4].

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Một là, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật theo hướng cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được áp dụng rộng rãi và trên phạm vi các Ủy ban nhân dân cấp xã để cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí thực hiện, đơn giản về trình tự, thủ tục, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân.

Hai là, quy định về mẫu hợp đồng, giao dịch được chứng thực; bổ sung quy định thành phần hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch nhằm bảo đảm tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được chứng thực, phòng ngừa khiếu nại, tố cáo, tranh chấp hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Công chứng và các kỹ năng, nghiệp vụ chứng thực cho công chức thực hiện công tác chứng thực ở địa phương, đặc biệt là xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong thực tiễn như: Kỹ năng thẩm tra, xác minh, nhận biết giấy tờ, con dấu giả. Mặt khác, có chính sách khuyến khích động viên, hỗ trợ cho công chức tư pháp - hộ tịch kinh phí khi được giao tăng thêm nhiệm vụ.

Bốn là, nghiên cứu, tích hợp 03 loại sổ (Sổ Một cửa, Sổ theo dõi giải quyết thủ tục hành chính và Sổ chứng thực), cho phép sử dụng sổ điện tử để quản lý nhà nước một cách khoa học, bài bản, đồng thời giúp cho công chức tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ.

 Năm là, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chứng thực, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chứng thực áp dụng chung trên phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (phục vụ lưu trữ thông tin chứng thực hợp đồng, giao dịch, kết nối với các phần mềm chuyên ngành có liên quan như công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, sự chính xác khi chứng thực, đặc biệt là chứng thực hợp đồng, giao dịch, hạn chế rủi ro, tranh chấp xảy ra.

Sáu là, xây dựng Luật Chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hiện nay, hoạt động chứng thực mới chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ. Trong khi đó, một số lĩnh vực liên quan đến chứng thực lại được điều chỉnh bằng các luật, bộ luật. Do đó, có sự khác nhau trong việc áp dụng. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập, đồng thời nâng cao việc áp dụng pháp luật trong hoạt động chứng thực, cần sớm ban hành Luật Chứng thực, đồng thời, kịp thời ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về chứng thực để bảo đảm hoạt động chứng thực được duy trì ổn định, đồng bộ và thống nhất.

Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc chấp hành, thực hiện pháp luật về thực hiện hoạt động chứng thực, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo trong hoạt động chứng thực để phát hiện kịp thời, ngăn chặn những hạn chế, tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện hoạt động chứng thực. Hàng năm, tổ chức kiểm tra chuyên ngành, đột xuất và kế hoạch kiểm tra định kỳ về hoạt động chứng thực tại các cấp xã trên địa bàn để kịp thời phát hiện ra những sai sót để chấn chỉnh. Xử lý nghiêm minh, dứt điểm những đơn vị, cán bộ, công chức yếu kém, tiêu cực, vi phạm các quy định pháp luật về chứng thực đã được chỉ ra, bị dư luận phản ánh[5]. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo vi phạm quy định pháp luật về chứng thực để tăng cường dân chủ, tăng cường hiệu quả giám sát thực hiện pháp luật từ phía các tổ chức, cá nhân, nhằm kịp thời phát hiện sơ hở, yếu kém, đồng thời phát hiện tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức trong hoạt động chứng thực.

ThS. Nguyễn Mạnh Linh

Trường Đại học Mở Hà Nội

 

[1]. Báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

[2]. Dương Văn Đức, Chứng thực của Ủy ban nhân dân phường từ thực tiễn quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội, 2018, tr. 14 - 16.

[3]. Báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

[4]. Dương Văn Đức, Chứng thực của Ủy ban nhân dân phường từ thực tiễn quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2018, tr. 54, 55.

[5]. Báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

 

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 399), tháng 2/2024)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
CÔNG KHAI CÁ NHÂN GIẢI QUYẾT TTHC TRỄ HẠN
Đường dây nóng
Tổng đài 1022
Qoffice
DỊCH VỤ CÔNG TỈNH QUẢNG NAM
Giới thiệu sản phẩm, thương hiệu Tam Thăng
Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về thái độ tiếp dân của Cán bộ, Công chức xã?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay1,924
  • Tháng hiện tại69,600
  • Tổng lượt truy cập2,512,100
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây