Bảo đảm sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng hiện nay

Thứ tư - 29/11/2023 15:44 534 0

Bài viết này tập trung phân tích các nội dung thể hiện vai trò, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng và các giải pháp bảo đảm sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng.

1. Vai trò, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng

1.1. Vai trò của người dân trong phòng, chống tham nhũng

Nếu như đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trước hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì việc tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của các tổ chức và từng thành viên trong xã hội. Xuất phát từ bản chất, nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng, có thể thấy vai trò chủ yếu của người dân trong PCTN thể hiện:

Thứ nhất, vai trò của người dân trong tham gia phát hiện hành vi tham nhũng:

Vai trò của người dân trong phát hiện tham nhũng chủ yếu thông qua giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, hoạt động của các cơ quan công quyền. Trong cuộc đấu tranh PCTN, người dân giám sát cán bộ, công chức, kịp thời phát hiện sai phạm, phê bình, lên án các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức. Thông qua các phản ánh, kiến nghị kịp thời của người dân giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi tham nhũng, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp. Việc phát hiện các vụ việc tham nhũng cũng có thể được thực hiện thông qua quyền tố cáo, tố giác của người dân. Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi tham nhũng, mọi cá nhân, công dân có quyền phản ánh, tố cáo, tố giác cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Thực tế công tác đấu tranh PCTN cho thấy, phần nhiều các vụ việc tham nhũng, hành vi tham nhũng được phát hiện từ những đơn thư phản ánh, tố cáo, tố giác của người dân.

Người dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức thông qua hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động... hoặc cũng có thể thực hiện thông qua hoạt động của cơ quan đại diện như đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên...

Thứ hai, vai trò của người dân trong việc giám sát thực thi pháp luật về PCTN:

Thời gian qua, công tác xây dựng thể chế và hoàn thiện pháp luật về PCTN đã được thực hiện tích cực và khá tốt, một loạt các văn bản liên quan đến phòng ngừa và đấu tranh PCTN cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Có thể thấy, hệ thống pháp luật về PCTN tương đối hoàn thiện và đầy đủ, đã có những sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc đấu tranh PCTN, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Đặc biệt là có nhiều quy định mở rộng để người dân vừa nâng cao nhận thức, vừa tham gia cùng với cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh PCTN. Thông qua việc thực hiện các quyền dân chủ, người dân có quyền được công khai giám sát thực hiện việc quyết toán ngân sách hàng năm, việc quản lý và sử dụng các khoản đầu tư, các dự án, chế độ, chính sách, việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đã bảo đảm theo quy định của pháp luật hay chưa. Sự giám sát chặt chẽ của người dân trong thực thi các quy định của pháp luật về PCTN có vai trò nhất định trong việc tạo ra áp lực để các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm thực thi pháp luật về PCTN như thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng. Đồng thời, việc giám sát này cũng là một cơ chế để ngăn ngừa các hành vi tham nhũng một cách hữu hiệu.

Thứ ba, vai trò của người dân trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN:

Thông qua hoạt động giám sát, người dân có quyền kiến nghị với cơ quan chức năng những vấn đề có liên quan đến hoàn thiện pháp luật về PCTN và giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, thông qua các cơ quan dân biểu, người dân tham gia việc góp ý hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCTN nói riêng.

1.2. Trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng

Đấu tranh PCTN không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta luôn đề cao trách nhiệm của nhân dân và các cơ quan đại biểu của nhân dân trong đấu tranh PCTN. Thực tiễn hiện nay cho thấy, hệ thống pháp luật về PCTN đã quy định rõ về trách nhiệm của người dân trong việc tham gia PCTN. Theo đó, trong đấu tranh PCTN, công dân có trách nhiệm sau:

Một là, người dân phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về PCTN.

Theo quy định của pháp luật, khi tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, công dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Việc phản ánh của người dân về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng phải khách quan, trung thực. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức mà người dân là thành viên có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng; xem xét và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hai là, cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh các vụ việc tham nhũng khi được yêu cầu. Khi được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu cộng tác, giúp đỡ, người dân có trách nhiệm kịp thời cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng.

2. Khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng hiện nay

Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp liên quan đến sự tham gia của người dân trong PCTN còn một số bất cập.

Việc phát huy vai trò của một chủ thể sẽ không được bảo đảm nếu không được ghi nhận bằng pháp luật. Hiện nay, vai trò của người dân trong PCTN đã được pháp luật quy định trong nhiều văn bản khác nhau như Hiến pháp; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp cận thông tin; các quy định về giám sát, phản biện xã hội... Tuy nhiên, có một số quy định ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong PCTN như quy định người tố cáo phải cung cấp thông tin cá nhân khi thực hiện tố cáo. Với quy định này, sẽ tạo nên tâm lý e ngại, lo sợ bị trả thù, bị trù dập trong công việc... nên không dám tố cáo. Bên cạnh đó, các quy định về khen thưởng người tố cáo lại chưa tạo động lực, khuyến khích người dân tham gia tố cáo... Hay như quy định về tiếp cận thông tin, một số cơ quan, đơn vị đưa các thông tin vào danh mục bí mật nhà nước dẫn đến người dân khó tiếp cận được thông tin để thực hiện quyền lợi của mình...

Hai là, chưa phát huy được vai trò của người dân thông qua thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Việc để lộ nội dung tố cáo, thậm chí thông tin về người tố cáo, để đối tượng bị tố cáo biết được danh tính người tố cáo, nội dung tố cáo, từ đó đối phó bằng nhiều hình thức khác nhau như mua chuộc người tố cáo, trù dập, trả thù, thuê “xã hội đen” xử lý. Mặt khác, một số trường hợp đã tiếp nhận đơn thư tố cáo, tố giác của người dân nhưng chậm kiểm tra xác minh, xử lý để đối tượng bị tố cáo tham nhũng có thời gian tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, xóa dấu vết, hợp thức hóa hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, việc khen thưởng đối với người tố cáo chưa có mức khen thưởng bằng vật chất một cách thỏa đáng nên cũng chưa động viên được sự tham gia tích cực của người dân vào cuộc đấu tranh PCTN.

Ba là, nhận thức của một bộ phận người dân về PCTN còn hạn chế.

Hiện nay, sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong các tầng lớp nhân dân, không phải ai cũng hiểu đúng về các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, quyền công dân, quyền dân chủ, về thực hiện các quyền làm chủ của mình.

Bốn là, chưa có cơ chế, biện pháp hữu hiệu bảo vệ người dân trong PCTN.

Thực tế cho thấy, hiện nay, chúng ta vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu thực hiện quyền làm chủ của người dân thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong PCTN; các cơ chế về thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước... Đặc biệt, pháp luật đã quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhưng trong thực tế, hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe dọa người tố cáo vẫn xảy ra khiến họ lo ngại không dám đấu tranh. Đồng thời, một số cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa bị xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời. Chính từ những lẽ đó đã tạo tâm lý e ngại, ảnh hưởng đến sự tin tưởng vào cơ quan chức năng nên chưa khuyến khích được người dân tích cực tham gia PCTN.

3. Một số giải pháp bảo đảm sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng

Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến sự tham gia của người dân trong PCTN.

Việc ghi nhận sự tham gia của người dân trong PCTN thông qua các quy định pháp luật thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh PCTN, đồng thời cũng nhằm xác định rõ trách nhiệm của công dân trong đấu tranh PCTN. Quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến sự tham gia của người dân trong PCTN cần bảo đảm rõ ràng, đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước thông qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Cần quy định thêm nhiều hình thức tiếp thu rộng rãi hơn sự phản ánh, phát hiện của người dân về những sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức để kịp thời đấu tranh PCTN như: Thiết lập đường dây nóng, hộp thư kín, thực hiện tiếp dân, tăng cường đối thoại với dân… Cần chỉ ra những việc cán bộ, đảng viên không được làm và công khai những điều này cho nhân dân biết để nhân dân giám sát, góp ý và thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm của dân.

Các quy định về minh bạch thông tin cũng cần được quy định rõ ràng để người dân được tiếp cận các thông tin cần thiết trong PCTN. Minh bạch thông tin chính là tạo niềm tin giữa nhân dân với cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, từ đó, nhân dân sẽ phát huy tốt quyền làm chủ của mình trong việc tham gia xây dựng, củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần hạn chế những tiêu cực, quan liêu và giảm tham nhũng. Pháp luật cũng cần quy định cụ thể trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trách nhiệm giải trình được thực hiện tốt có tác dụng làm giảm tham nhũng của cán bộ, công chức, đồng thời tạo cơ sở để người dân có được thông tin trong phạm vi cho phép một cách chủ động trên cơ sở thực hiện quyền yêu cầu, giám sát của mình. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật cũng phải tạo ra cơ sở pháp lý nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân trong PCTN như quy định về tiếp nhận và xử lý tố cáo phù hợp và hiệu quả; bảo vệ người tố cáo; khen thưởng công dân có thành tích tiêu biểu trong việc phát hiện, đấu tranh PCTN, có biện pháp chế tài đối với những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền tố cáo và các quyền dân chủ của công dân.

Hai là, nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của mình trong đấu tranh PCTN.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện quyền dân chủ, quyền giám sát của công dân ở các cấp; nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng; tác hại của tham nhũng; các hành vi tham nhũng; phương thức, thủ đoạn thực hiện các hành vi tham nhũng... để người dân hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, để thực sự khuyến khích được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của người dân trong việc tham gia ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần có thêm nhiều hình thức tiếp thu rộng rãi hơn sự phản ánh, phát hiện của nhân dân về những sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức để kịp thời đấu tranh PCTN như: Lập đường dây nóng, hộp thư kín, thực hiện tiếp dân, tăng cường đối thoại với dân…

Ba là, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và giám sát của người dân.

Theo quy định của pháp luật, người dân có quyền được tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước, quyền giám sát mọi hoạt động của Nhà nước và tổ chức Đảng; công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt; được gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin; được phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; được làm những việc mà pháp luật không cấm. Các thông tin mà công dân cần tiếp cận không chỉ về hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn về các quyền dân sự của mình với tư cách là một công dân. Người dân có quyền được tiếp cận thông qua thông tin mà các cơ quan nhà nước công khai hoặc trực tiếp yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Bên cạnh việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân thì bảo đảm sự giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước cũng là một trong những giải pháp để phòng ngừa tham nhũng. Cần tiếp tục hoàn thiện và bổ sung cơ chế giám sát của người dân, khắc phục những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật. Để phát hiện tham nhũng thì việc khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng được coi là biện pháp hàng đầu. Thông qua sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tạo cơ sở để ngăn ngừa các hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu với nhân dân.

Bốn là, tăng cường việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước là một trong những biện pháp quan trọng góp phần phòng ngừa tham nhũng. Việc minh bạch thông tin của cơ quan nhà nước giúp cho các cá nhân cũng như tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc chi tiêu tài chính công, tự do đóng góp ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, từ đó, nhân dân sẽ phát huy tốt quyền làm chủ của mình trong việc tham gia xây dựng, củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần hạn chế tiêu cực, quan liêu và giảm tham nhũng.

Bên cạnh việc công khai, minh bạch thông tin, các cơ quan nhà nước cần thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, từ đó làm giảm tham nhũng của cán bộ, công chức, là cơ sở để người dân thực hiện quyền giám sát thông qua việc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của họ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước góp phần phát huy vai trò giám sát của công dân, cơ quan dân cử, tổ chức, đoàn thể đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức. Với ý nghĩa là một công cụ giúp người dân giám sát các hoạt động công vụ và kịp thời phản ứng với những hành vi tiêu cực, công dân cần được hỗ trợ trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đối với các hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan đó.

 Năm là, có các cơ chế để khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng.

Nhà nước cần ban hành các thiết chế để khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo như mở rộng thêm các hình thức phản ánh tố cáo bằng điện thoại hoặc thông qua đường dây nóng hoặc các trang thông tin điện tử chính thống ngoài hai hình thức là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong đấu tranh PCTN phải công khai các hộp thư, số điện thoại của mình và thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, xác minh ngay những thông tin về tham nhũng do người dân cung cấp. Nếu các thông tin do người dân cung cấp qua kiểm tra xác định tố cáo đúng thì phải công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để mang tính răn đe, giáo dục. Cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần cho những người có công trong việc tố cáo tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng cần có những biện pháp bảo vệ người khiếu nại, tố cáo. Pháp luật phải bảo đảm thừa nhận quyền được bảo vệ của người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ người tố cáo; thủ tục pháp lý và các biện pháp bảo đảm để người dân thực hiện quyền tố cáo của mình.

ThS. Vũ Thị Tuyết

Khoa Luật, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân

 

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
CÔNG KHAI CÁ NHÂN GIẢI QUYẾT TTHC TRỄ HẠN
Đường dây nóng
Tổng đài 1022
Qoffice
DỊCH VỤ CÔNG TỈNH QUẢNG NAM
Giới thiệu sản phẩm, thương hiệu Tam Thăng
Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về thái độ tiếp dân của Cán bộ, Công chức xã?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay6,888
  • Tháng hiện tại177,872
  • Tổng lượt truy cập2,777,680
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây