Bảo tồn đa dạng sinh học hồ Sông Đầm

Thứ năm - 09/05/2024 08:32 2.569 0
     Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam kiến nghị thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh đối với hồ Sông Đầm (Tam Kỳ) nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học nơi đây
 
Hội thảo nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ Sông Đầm. Ảnh: X.P.
Hội thảo nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ Sông Đầm. Ảnh: X.P.
     Có loài thuộc Sách đỏ Việt Nam
    Hồ Sông Đầm có diện tích khoảng 200ha mặt nước trải dài qua các xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú; trong đó diện tích Bãi Sậy chiếm hơn 40ha, mực nước sâu trung bình 1,6m, được coi là “lá phổi xanh” với hệ sinh thái rất đa dạng.
     Tại hội thảo nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ Sông Đầm do Sở KH&CN tổ chức mới đây, các nhà khoa học của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (đơn vị thực hiện đề tài) đã công bố nhiều thông tin bất ngờ, thú vị.
Theo PGS-TS. Vũ Tiến Chính - chủ nhiệm đề tài, nội dung nghiên cứu của đề tài là tổng hợp các đánh giá đa dạng sinh học tại hồ Sông Đầm, xác định các chỉ số đa dạng sinh học của từng nhóm động thực vật.
Qua nghiên cứu, đánh giá theo phương pháp điều tra định lượng theo tuyến, tại đây ghi nhận 81 loài động vật có xương sống, 214 loài động vật không xương sống và 203 loài thực vật. Đánh giá độ đa dạng sinh học, các chỉ số của hồ Sông Đầm không quá thấp so với các vườn quốc gia Ba Bể hay Bạch Mã.
“Đáng chú ý, tại đây có một số loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng thuộc Sách đỏ Việt Nam như cò nhạn (hay cò ốc); loài ghi nhận mới cho khu hệ côn trùng Việt Nam là bọ cánh cứng; đặc biệt loài thực vật họ Na có tiềm năng là loài mới thế giới” - ông Chính thông tin.
dsc_3221(1).jpg
PGS-TS. Vũ Tiến Chính đưa một số hình ảnh về loài cò nhạn để nhấn mạnh đến sự đa dạng sinh học của hồ Sông Đầm. Ảnh: X.P
     Sở hữu hệ sinh thái đa dạng, phong phú, song theo PGS-TS. Vũ Tiến Chính, việc bảo vệ đa dạng sinh học hồ Sông Đầm đang bị thách thức nghiêm trọng do môi trường ở đây ô nhiễm “mà nếu không có giải pháp, chừng 10 năm nữa hồ Sông Đầm không còn hệ sinh thái đa dạng như hiện nay”.
     Ông Chính kể, so với cách đây vài năm khi ông đến hồ Sông Đầm bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, mỗi một năm lượng nước ở đây ít đi. Đàn cò được nhìn thấy và chụp ảnh được trước đây nay cũng không còn thấy nữa.
“Qua điều tra khảo sát, nghiên cứu đánh giá chất lượng môi trường nước, đất và trầm tích, chúng tôi xác định có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm hồ Sông Đầm, làm suy giảm đa dạng sinh học.
     Có thể kể đến như nước thải đổ ra từ khu công nghiệp; người dân địa phương sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và rửa bình đổ thẳng xuống hồ; việc đánh bắt, khai thác các loài động vật quá triệt để bằng kích điện” - ông Chính nêu.
dsc_3425.jpg
Hồ Sông Đầm đang được TP.Tam Kỳ quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: X.P
      Đề xuất thành lập khu bảo tồn
     Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học, chất lượng môi trường đất, nước, các nhà khoa học của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đề xuất địa phương nhanh chóng thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh gắn với phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững. Từ đó, có các giải pháp căn cơ trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực hồ Sông Đầm cũng như có tiềm năng thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức quốc tế về bảo tồn.
      Theo PGS-TS. Vũ Văn Liên - Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, hồ Sông Đầm có hệ sinh thái đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho Tam Kỳ.

     “Tôi hoàn toàn ủng hộ về mặt khoa học và mong tỉnh Quảng Nam, TP.Tam Kỳ và các ngành chức năng vào cuộc, gìn giữ cho các thế hệ tương lai một Sông Đầm đa dạng sinh học đặc sắc, hiếm có” - ông Liên chia sẻ.
Theo một lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường Tam Kỳ, để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, các nhà khoa học cần xác định phạm vi, phân vùng quản lý; khu vực nào cần bảo tồn, khu vực nào được phép khai thác; đồng thời xác định cụ thể loài động thực vật nào cần nghiêm cấm khai thác để bảo tồn, phát triển.
Trong khi đó, chính quyền các xã Tam Thăng, Tam Phú cho biết, thời gian qua địa phương tích cực vận động người dân chuyển qua đánh bắt bằng lưới phục vụ du khách, tăng cường thu gom rác thải đồng ruộng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng lúa; mong muốn thành phố quan tâm hơn đến việc xây dựng mô hình sản xuất phù hợp gắn với sinh kế của người dân.
      Theo ông Nguyễn Minh Nam - quyền Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, sự đa dạng sinh học của hồ Sông Đầm đã được khẳng định qua thực tế và nghiên cứu của các nhà khoa học, cần được gìn giữ và phát huy.
      Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học hồ Sông Đầm như đầu tư hơn 30 tỷ đồng trồng cây phục hồi hệ sinh thái; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi, nghiêm cấm các hình thức săn bắt tận diệt. Tam Kỳ cũng đã có kiến nghị tỉnh chuyển dòng nước thải Khu công nghiệp Tam Thăng nhưng đến nay chưa thực hiện.
      “Hồ Sông Đầm đủ tiêu chí thành lập khu bảo tồn và nếu thành lập sẽ giúp thuận lợi cho công tác bảo vệ. Định hướng của địa phương sẽ chuyển dần qua sản xuất phục vụ du lịch 250ha đất lúa khu vực Sông Đầm.
Tam Kỳ cũng xác định trước mắt là phục hồi và gìn giữ cho thế hệ con cháu, còn phát triển du lịch cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, hợp lý chứ không ồ ạt” - ông Nam chia sẻ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
CÔNG KHAI CÁ NHÂN GIẢI QUYẾT TTHC TRỄ HẠN
Đường dây nóng
Tổng đài 1022
Qoffice
DỊCH VỤ CÔNG TỈNH QUẢNG NAM
Giới thiệu sản phẩm, thương hiệu Tam Thăng
Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về thái độ tiếp dân của Cán bộ, Công chức xã?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay5,962
  • Tháng hiện tại176,946
  • Tổng lượt truy cập2,776,754
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây