Lấy lại lòng tin của nạn nhân BLGĐ
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Người bị bạo lực không tìm sự giúp đỡ từ các cơ quan chính quyền chủ yếu do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà.
Ngày 14/6/2022, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi. Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) nhận định vấn nạn BLGĐ đang diễn biến nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, do đó cần tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ. Bà Thủy cho rằng: “Thời gian qua đã cho thấy chúng ta có luật nhưng thực tế có hành vi BLGĐ xảy ra nhưng hỗ trợ cho người bị bạo lực chưa hiệu quả, người bị BLGĐ còn lúng túng, không biết rõ mình cần cầu cứu ai, cơ quan có trách nhiệm nào. Ở đâu đó còn xem nhẹ, coi đó là việc của gia đình nên “đóng cửa bảo nhau” và vô hình trung làm mất lòng tin của người bị bạo lực”.
Theo bà Thủy, điều đó dẫn đến họ tiếp tục chịu đựng, hoặc phản vệ theo cách tiêu cực để chống trả lại hành vi BLGĐ và nhiều trường hợp chịu hậu quả nặng nề, như con sát hại cha mẹ, vợ chồng sát hại nhau do tâm lý bức xúc dồn nén. “Do vậy, Luật cần chú trọng cơ chế phối hợp trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tổ chức. Vì BLGĐ đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong việc hỗ trợ, tránh việc biện pháp không kịp thời, tương xứng với hành vi vi phạm dẫn đến người có hành vi vi phạm BLGĐ có tâm lý coi thường pháp luật” - bà Thủy kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, toàn bộ Chương III của
Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023) là các điều khoản quy định về bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ, trong đó có nội dung liên quan đến chính quyền địa phương như: UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ là một trong những nơi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ; Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ hoặc nhận được báo cáo về hành vi BLGĐ của tổ chức, cá nhân; Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03 ngày; Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi BLGĐ cư trú quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ trong cộng đồng dân cư…
Đề xuất khoảng cách cấm tiếp xúc 50m
Bộ VH,TT&DL là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ 2022. Theo tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định vừa được Bộ Tư pháp công bố, một trong những nội dung đáng chú ý liên quan đến quy định cấm tiếp xúc đối với người có hành vi BLGĐ.
Cụ thể, theo dự thảo, người bị BLGĐ, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị BLGĐ khi thấy hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bị BLGĐ thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ra quyết định cấm tiếp xúc.
Ngoài ra, khi có sự đồng ý của những người trên thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi ra quyết định cấm tiếp xúc, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cho người bị BLGĐ là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người đang điều trị bệnh.
Thời gian quyết định cấm tiếp xúc không quá ba ngày cho mỗi lần kể từ thời điểm người có hành vi BLGĐ nhận quyết định và không quá hai lần quyết định cấm tiếp xúc liên tiếp. Dự thảo quy định người bị cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã chỉ được tiếp xúc người bị BLGĐ khi có việc cưới, việc tang; gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng hoặc tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Cũng theo dự thảo, khoảng cách cấm tiếp xúc là 50m nếu không có tường ngăn hoặc vách ngăn bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, người bị cấm tiếp xúc không được sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc sử dụng phương tiện, công cụ khác để thực hiện hành vi BLGĐ.
Hiện nay, Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành quy định khoảng cách cấm tiếp xúc là 30m. Tại sao lại là con số 50m thay vì 30m trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của
Luật Phòng, chống BLGĐ 2022? Theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ VH,TT&DL thì thực tiễn cho thấy một người bình thường có thể ném xa 30 - 50m, trường hợp đặc biệt có thể trên 50m và người trưởng thành chạy cự ly 100m mất khoảng 17 - 25 giây; vận động viên khoảng 10 - 15 giây. Như vậy, quy định ở khoảng cách không có vật cản với người bình thường ở khoảng cách 50m có thể được coi là an toàn. Mặt khác, trong điều kiện có vách ngăn kiên cố thì việc quy định khoảng cách là không cần thiết. Vì vậy, quy định như dự thảo vừa để bảo đảm an toàn cho người bị BLGĐ vừa là cơ sở để xác định vi phạm cấm tiếp xúc. Tuy có lý giải vậy, nhưng nhiều quan điểm vẫn còn băn khoăn khi quy định này đi vào thực tiễn liệu có bị chung chung, khó áp dụng, khó kiểm soát hay không?
Dự thảo Nghị định quy định người có hành vi BLGĐ đã bị cấm tiếp xúc hai lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi BLGĐ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tổn hại đến sức khỏe, tính mạng thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại Điều 134 BLHS về tội “Cố ý gây thương tích”.
Quy định này được đánh giá là hợp lý, bởi xã, phường là nơi gần nhất và nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ dân nên người bị BLGĐ có thể đến trình báo lấy lời khai đầu tiên để được giải quyết. Do đó, việc giao Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hình sự là hoàn toàn phù hợp.
Được biết, hiện nay, Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và
phòng, chống BLGĐ có quy định UBND cấp xã, phường khi tiếp nhận thông tin người bị BLGĐ phải báo cáo để UBND cấp huyện xử lý. Quy định này được đánh giá là làm hạn chế yêu cầu cần nhanh chóng, kịp thời trong các hoạt động giải quyết BLGĐ tại địa phương trong thực tiễn thực thi.
Hồng Minh