Năm 2022 có 07 cơn bão và 01 ATNĐ hoạt động trên biển Đông; trong đó có 01 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết tỉnh Quảng Nam và 01 cơn bão đổ bộ trực tiếp đất liền tỉnh là Bão số 04 (bão Noru) vào đêm 27/9 và rạng sáng 28/9/2022. Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong ngày 26/9-28/9/2022, có mưa vừa, mưa rất to kéo dài trong nhiều giờ liền, với tổng lượng mưa phổ biến 130 – 290mm, đã gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân xã Tam Thăng với tổng thiệt hại ước tính là 27 tỷ đồng.
.
Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cấp, các ngành trên địa bàn xã đã tập trung chỉ đạo và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất để ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với các sự cố do thiên tai gây ra cho người dân. Tình hình thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" gắn với xây dựng cộng đồng an toàn và thực hiện tiêu chí an toàn về phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới, củng cố, nâng cao năng lực và hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, thôn được thực hiện nghiêm túc, duy trì tốt.
Năm 2023, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, dự báo thời tiết khí hậu thuỷ văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. cần chủ động đề phòng bão mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lũ cao trên các triền sông và nước dâng vùng ven biển, hạn hán, xâm nhập mặn, dông lốc, nắng nóng, gió mùa...
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND xã yêu cầu các cấp, ngành, các thôn tập trung rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nhận thức về thiên tai đến người dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, tập trung nêu bật những kinh nghiệm cũng như chỉ ra một số tồn tại và hạn chế trong công tác PCTT & TKCN thời gian qua. Một số ý kiến phản ánh tình trạng gia tăng nguy cơ úng, lụt cục bộ tại một số khu dân cư, các tuyến đường trọng yếu; việc cần bổ sung trang thiết bị cho lực lượng PCTT.
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Sử - Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND xã chỉ đạo: Các ngành, các thôn kiện toàn Tiểu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân. Tình hình thời tiết, thiên tai năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường. Đồng chí Chủ tịch UBND xã yêu cầu các cấp, các ngành, các thôn cần xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, tránh tâm lý chủ quan.
Tin, bài: Thu Ngân (TTVH-TT xã)