Điểm sáng
Quảng Nam bắt đầu quá trình phát triển các KCN với mô hình KCN Điện Nam - Điện Ngọc tại thị xã Điện Bàn, giai đoạn 1 được Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 806) diện tích 145ha. Ngay từ đầu, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã được áp dụng theo phương thức “cuốn chiếu”, từng bước đầu tư hoàn thiện các hạng mục với chất lượng cao, tạo sức hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Năm 1999, KCN này bắt đầu thu hút dự án đầu tiên và đến cuối năm 2003 đã nhanh chóng lấp đầy 145ha diện tích với 40 dự án đầu tư được cấp phép. Đầu năm 2005, giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai với diện tích 245ha.
Đến nay, KCN Điện Nam - Điện Ngọc có tổng diện tích 390 ha, trong đó đất công nghiệp cho thuê gần 222ha, thu hút được 77 dự án đầu tư, trong đó có 33 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 561 triệu USD và 44 dự đầu tư trong nước có vốn gần 4.133 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 27 nghìn lao động với lương bình quân 7,5 triệu đồng/ người/tháng.
Năm 2020, KCN này đạt 31% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 39% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; đóng góp thu ngân sách khoảng 14% giá trị toàn tỉnh.
Với chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, những năm qua Quảng Nam đã xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ và “trải thảm” đón nhà đầu tư vào các KCN Thuận Yên (Tam Kỳ), KCN Đông Quế Sơn, KCN Bắc Chu Lai, KCN Tam Hiệp, KCN Tam Thăng.
Cả 5 KCN này có tổng diện tích hơn 1.335ha đang trong giai đoạn đầu tư nhưng việc thu hút đầu tư rất khả quan. Đặc biệt, từ khi đầu tư nhà máy đầu tiên (năm 2003) đến nay, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã phát triển 3 KCN có tổng diện tích hơn 837ha (bao gồm: KCN Cơ khí - ô tô Chu Lai Trường Hải, KCN Cảng và hậu cần cảng Chu Lai Trường Hải, KCN Thaco Chu Lai), đã thu hút 40 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn 80.500 tỷ đồng (tương ứng 3,5 tỷ USD), lấp đầy 66% diện tích.
Đón đầu xu hướng mới
Quảng Nam có 10 KCN quy mô khoảng 3.500ha, đã thu hút 231 dự án đăng ký đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 54%. Trong đó, có 78 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1.241 triệu USD và đã thực hiện 472,3 triệu USD; có 153 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 50.492 tỷ đồng và thực hiện được 21.580 tỷ đồng. Tổng số lao động trong các KCN tỉnh hơn 61.350 người.Ông Han Chu Joon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng chia sẻ, công ty đã quyết định đầu tư vào Quảng Nam do địa phương hội tụ đầy đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển nền công nghiệp vững mạnh, lâu dài.
Trong 5 năm qua (2016 - 2021), đồng hành với chủ đầu tư - Cizidco, Tập đoàn Panko đã và đang thực thi nhiều dự án lớn, như nhà máy xử lý nước thải công suất 28.000m3 /ngày đêm, Công ty Panko Tam Thăng, Công ty R&D Panko, Panko plaza, ký túc xá cho công nhân..., tạo lực hút hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược của Hàn Quốc, Đức, Hồng Kông,… vào KCN Tam Thăng.
Đáng kể, hầu hết dự án đầu tư vào các KCN Quảng Nam đều có công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, cho ra sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao so với các mặt hàng sản xuất trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần làm giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 7,91%/ năm, tạo lực kéo nền kinh tế Quảng Nam đi lên.
Hiện nay, giá thuê đất công nghiệp Quảng Nam đạt mức trung bình 30 - 45 USD/m2 /chu kỳ thuê, được đánh giá là mức khá cạnh tranh với các tỉnh công nghiệp trọng điểm tại 2 đầu đất nước có giá thuê đang leo thang.
Tuy nhiên, lợi thế về giá thuê đất rẻ, giá nhân công thấp, tối đa hóa chi phí đầu tư địa phương,... không còn được xem trọng như trước. Mới đây, thông điệp từ Diễn đàn Nhịp cầu 2021 tại Hà Nội của Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài rằng: “Không phải nhân lực giá rẻ, mà tiêu chí “chọn mặt gửi vàng” của doanh nghiệp Âu, Mỹ là địa phương nào đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng, dùng công nghiệp công nghệ cao và có môi trường kinh doanh tốt”.
Để thực sự là đất lành thu hút đầu tứ, một mặt Quảng Nam vẫn phát triển các KCN tập trung theo đúng định hướng chiến lược. Trong quá trình mở rộng các KCN Tam Anh - Hàn Quốc 193ha, KCN Tam Anh 1 quy mô 167ha, KCN Tam Thăng 2 quy mô 103ha, KCN Tam Anh 451ha… cần giải quyết hài hòa việc bồi thường - giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân, tạo mặt bằng sạch và các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Mặt khác, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, tiếp tục lựa chọn các nhà đầu tư có thương hiệu, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, dịch vụ phù hợp với lợi thế của tỉnh và các KCN, Khu kinh tế mở Chu Lai.
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc