Trong bài tham luận gửi đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, phát triển kinh tế biển và hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta trong tiến trình xây dựng đất nước, mà rõ nét nhất là trong 35 năm đổi mới. Đặc biệt từ Đại hội IX, lần đầu tiên Đảng ta đề ra trọng tâm “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”, và được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, kinh tế biển và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong thời gian qua đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi diễn ra Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.P
Ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Quảng Nam đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế ven biển và khẳng định đây là vùng động lực đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Đã tích cực trình các bộ ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo thực hiện với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, gắn với “tư duy mở” được vận dụng kiên trì, kiên định xuyên suốt trong quá trình thu hút đầu tư.
Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về định hướng và giải pháp phát triển vùng ven biển của tỉnh; trong đó, đề ra 7 nhóm chương trình, dự án trọng điểm để phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và vùng đông nam của tỉnh.
Để phù hợp với xu thế phát triển mới, Quảng Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Qua đó, xác định Khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực; là khu vực phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch, dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng biển Chu Lai - Kỳ Hà, là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương liên vùng và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đến nay hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai, nhất là hạ tầng giao thông kết nối được tập trung đầu tư. Sân bay Chu Lai đưa vào khai thác với quy mô 1,7 triệu lượt hành khách/năm; cảng Kỳ Hà đã được đầu tư nâng cấp, tiếp nhận các tàu tải trọng 2 vạn tấn và đã tổ chức được các tuyến vận tải quốc tế.
Tuyến đường ven biển Võ Chí Công đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đi sân bay Chu Lai và Quảng Ngãi, cùng với các tuyến đường ngang nối thông với quốc lộ 1 và tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất.
Trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai đã thu hút được 173 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 120 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,54 tỷ USD. Hiện đã có 112/173 dự án đang hoạt động; trong đó có 46 dự án FDI với tổng vốn 674,261 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.
Hoạt động của các doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả cao, tạo ra các sản phẩm chủ lực như: sản xuất và lắp ráp ô tô của Công ty CP Ô tô Trường Hải; nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ dệt may ở Khu công nghiệp Tam Thăng; nhóm dự án du lịch, dịch vụ ở Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng… Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp vào ngân sách tỉnh bình quân 65%/năm.
Từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 7,5 - 8%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 từ 4.800 - 5.000 USD.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận một số vướng mắc trong phát triển. Đó là, tính lan tỏa từ Khu kinh tế mở Chu Lai sang các vùng khác trong tỉnh còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề liên kết ngành, hình thành chuỗi sản xuất còn nhiều bất cập.
Những đề xuất của Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đến đại hội
Thứ nhất, đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sớm thể chế hóa các chủ trương, giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đặc biệt là việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho khu kinh tế theo hướng nâng từ nghị định lên thành luật để đảm bảo khu kinh tế có một khung pháp lý đủ mạnh, đồng bộ. Đồng thời giải quyết triệt để sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật, trong cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về khu kinh tế (hành chính, kinh tế, đất đai, an ninh, quốc phòng…). Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu quản lý vận hành khu kinh tế và tương thích với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; phát triển các khu kinh tế công nghệ cao; khu công nghiệp nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách ưu đãi đầu tư và quy chế hoạt động của các khu phi thuế quan, dịch vụ logistic để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, chế biến hàng hóa và các hoạt động khác trong khu phi thuế quan.
Thứ ba, với lợi thế là địa phương có sân bay, cảng biển; trong đó, sân bay Chu Lai được quy hoạch là sân bay quốc tế, vận chuyển hành khách và trung chuyển hàng hóa quốc tế, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, có điều kiện thuận lợi về quỹ đất sạch hơn 2.000ha; đề nghị Trung ương sớm có cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực đầu tư xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo hình thức xã hội hóa và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không, đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực; cho phép đầu tư nạo vét luồng hàng hải 5 vạn tấn, để phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cho khu vực miền Trung, Tây nguyên và Nam Lào.
Thứ tư, đề nghị Trung ương sớm thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, thực hiện các dự án khí - điện trong khu vực Khu kinh tế mở Chu Lai để phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung.
Thứ năm, đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ thu hút lao động, đào tạo nguồn nhân lực cho các khu kinh tế ven biển, nhất là nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu kinh tế, đạt tiêu chuẩn khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Theo Báo Quảng Nam
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc