Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành của tỉnh dự phiên họp.
Dự kiến tăng trưởng 11,72%
Tăng trưởng 11,72% là con số dự báo được ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nêu ra khi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021.
Theo ông Thử, 5 tháng qua, các ngành, địa phương, nhân dân toàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là 11,72%; trong đó; công nghiệp - xây dựng tăng 33,36%.
Để đạt được kết quả này, Quảng Nam đã có nhiều biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19; đồng thời đưa ra các chính sách nhằm khôi phục, ổn định phát triển sản xuất. Vì vậy, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, trong đó hai ngành lớn là sản xuất ô tô và thủy điện phát triển ổn định, góp phần nâng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ.
“Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động dịch vụ không cần thiết tạm ngừng hoạt động nên kết quả kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải trong tháng có phần chững lại so với thời gian trước, đặc biệt là ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề” - ông Thử nói.
Phân tích về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng, mức tăng trưởng 11,72% trong 6 tháng đầu năm là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, đóng góp chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với 33,36%; riêng ngành công nghiệp đóng góp tới 41%.
“Phân tích về sự đóng góp của lĩnh vực công nghiệp như vậy để toàn tỉnh tập trung làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển năm 2021. Chỉ số lao động trong doanh nghiệp giảm 5,2% - ở đây chủ yếu tập trung giảm ở các lĩnh vực, dịch vụ. Vậy nên rất cần có sự hỗ trợ tích cực cho các lĩnh vực này, bởi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19” - ông Quang đề xuất.
Phòng chống dịch là nhiệm vụ cấp bách
UBND tỉnh cho biết, đến ngày 31.5, thu nội địa đạt hơn 9.160 tỷ đồng/16.000 tỷ đồng (đạt khoảng 57%). So với cùng kỳ năm ngoái thì đến tháng 9, tháng 10 tỉnh mới đạt số thu khoảng 8.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói, thu ngân sách đạt khá, năm nay tỉnh dự kiến sẽ tăng thu 2.200 tỷ đồng. Đưa ra dự báo như vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát lại dự kiến tăng thu để xây dựng phương án phân bổ nguồn dự kiến vượt thu để xin chủ trương bố trí cho một số công trình, dự án trọng điểm.
Các ý kiến thảo luận cùng nhận định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định, tái khởi động hiệu quả nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Đây chính là động lực quan trọng để bước vào nhiệm kỳ phát triển 2021 - 2026. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra ngay đầu nhiệm kỳ mới là tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Quảng Nam đặt quyết tâm cao nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao hơn 20 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành phải thực hiện trong tháng 6.2021.
Đồng thời nhấn mạnh, tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, nhất là địa bàn các khu công nghiệp. Tỉnh đã có chỉ đạo, Sở Công Thương, ban quản lý các khu công nghiệp và các chủ doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước.
“Sở Công Thương hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Sở VH-TT&DL nghiên cứu động viên các doanh nghiệp du lịch ở thời điểm này là cần thiết. Sở Y tế xây dựng kế hoạch, đối tượng tiêm vắc xin an toàn, chu đáo và dự thảo văn bản gửi đề nghị các doanh nghiệp nào có khả năng mua vắc xin trực tiếp từ nhà sản xuất thì đăng ký để xin ý kiến của Bộ Y tế.
Sở Công Thương và Sở Y tế chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó trong tình huống xấu nhất là dịch bệnh xảy ra ở khu công nghiệp. Chọn một vài khu công nghiệp có nguy cơ cao để xây dựng kịch bản này, đảm bảo góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trên địa bàn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Không được có tâm lý nghỉ xả hơi
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh như vậy khi phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, dự báo khả năng dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Quảng Nam là rất cao, chính vì vậy cần kích hoạt ngay các tổ kiểm soát Covid-19 cộng đồng. Tất cả phải tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, có như vậy mới có điều kiện để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các khu công nghiệp, bệnh viện, chợ...; đặc biệt là các khu công nghiệp cần được hướng dẫn, đôn đốc xây dựng phương án ứng phó nếu như dịch Covid-19 xuất hiện; có phương án ăn ở và làm việc tại chỗ cho công nhân.
“Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như vậy đã xuất hiện tâm lý nghỉ xả hơi trong một số đồng chí. Đây là thời điểm chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư rất thấp, kể cả chuyển nguồn và vốn mới, do đó các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành phải đôn đốc triển khai đúng tiến độ các chương trình, dự án để giải ngân vốn đầu cư công” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc