Cổng thông tin điện xử xã Tam Thăng - Tam Kỳhttps://tamthang.tamky.quangnam.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 15/06/2022 21:074970
Sau gần 3 năm bị “tê liệt” do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 4.2022 ngành du lịch trở lại hoạt động bình thường trên phạm vi cả nước. Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) cũng mở cửa đón khách và lượng khách đến tham quan ngày càng đông.
Được khởi công từ tháng 02.1965, qua hơn 2 năm nhân dân địa phương vượt qua muôn vàn khó khăn, đóng góp hơn 5 vạn ngày công đào được một tuyến hầm dài 10 cây số cùng hàng trăm công sự, hầm hào đi qua 8 thôn trên địa bàn xã. Địa đạo Kỳ Anh được hình thành như một làng chiến đấu trong lòng đất, bao bọc xung quanh các xóm dân cư, dọc theo bờ tre, mương nước tạo nên các lối vào, lối ra thuận tiện và bí mật. Công trình này là vành đai kiên cố và là tuyến quân sự nối dài từ vùng Đông Tam Kỳ đến vùng Đông huyện Thăng Bình, tạo thành bàn đạp để quân ta tiến công vào Tỉnh đường Quảng Tín và làm tê liệt các đợt phản kích của địch ở vùng giải phóng. Riêng đối với vùng Đông Tam Kỳ, địa đạo Kỳ Anh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân đánh trả các cuộc càn quét của địch đạt hiệu quả, mà còn hỗ trợ cho các đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ làm nơi an toàn để đưa các hoạt động của ta vào sâu trong vùng nội thị. Dựa vào lợi thế đó các lực lượng vũ trang của tỉnh và của huyện đứng chân tổ chức nhiều trận đánh lớn trên mảnh đất Kỳ Anh, Kỳ Phú tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Chụp ảnh lưu niệm tại đình Thạch Tân.
Địa đạo Kỳ Anh được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH–TT&DL) công nhận di tích Lịch sử cách mạng cấp Quốc gia vào tháng 5.1997. Địa đạo Kỳ Anh không chỉ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của du khách. Mỗi năm đón hơn 2 ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên 2 năm qua do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khu di tích đóng cửa. Thời gian gần đây du khách đến tham quan địa đạo ngày càng đông, những người làm du lịch cộng đồng tại làng quê nghèo “sống lại” với công việc gần như cả đời gắn bó. Ông Huỳnh Kim Ta – Trưởng thôn Thạch Tân kiêm bảo vệ, hướng dẫn viên khu di tích lịch sử cách mạng địa đạo Kỳ Anh cho biết, thời gian gần đây du khách đã trở lại với Địa đao Kỳ Anh, bình quân mỗi tháng có 1.200 lượt khách đến tham quan, phần đông là khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng ... các tỉnh Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Bình Định...và các em học sinh của các trường trong tỉnh đến giao lưu, sinh hoạt.
Trong những năm qua, di tích lịch sử cách mạng địa đạo Kỳ Anh đã được đầu tư xây dựng nhà đón khách, nhà trưng bày hiện vật và các công trình phụ trợ khác. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Ông Nguyễn Thái Hùng – Chủ tịch Hội Tù yêu nước, cựu thanh niên xung phong phường Trường Xuân (thành phố Tam Kỳ) cho biết, địa đạo Kỳ Anh là địa đạo lớn thứ ba của cả nước sau địa đạo Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) nhưng chưa được đầu tư để tương xứng với quy mô của di tích. Đồng thời công tác quảng bá cũng chưa được sâu rộng nên còn nhiều người chưa biết đến. Cần được tăng cường công tác tuyên truyền để thu hút khách đến tham quan du lịch ngày càng nhiều hơn.
Đến với địa đạo Kỳ Anh, không chỉ tìm hiểu sự hình thành, tầm quan trọng của địa đạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự hy sinh cao cả của nhân dân ở vùng cát này mà du khách còn viếng hương các bậc tiền nhân, những người có công khai cơ lập nghiệp, các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tham quan cây rõi 500 năm tuổi gắn liền với lịch sử hình thành của địa đạo, làng dệt chiếu cói; ăn sắn chấm muối đậu, uống nước lá cây... Với sự mộc mạc, chân chất, thân thiện của những con người giàu truyền thống cách mạng đã và đang tô điểm làm cho địa đạo Kỳ Anh ngày càng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách gần xa, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.